Saturday, 20/04/2024 - 00:54|
WEBSITE ĐANG CHẠY THỬ NGHIỆM
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TẢN MẠN LỤC BÁT MÙA HẠ

TẢN MẠN LỤC BÁT MÙA HẠ
          Tôi làm nghề dạy học. Mùa hạ đã để lại những kỷ niệm đẹp đẽ trong lòng bao  thế hệ học trò và  bao thế hệ nhà giáo chúng tôi. Đến nay, kể từ ngày đi học “Vỡ lòng”, tôi cũng đã đi qua hơn 50 mùa hạ như thế.
          Kỷ niệm xa xôi tìm về cùng với  những rạo rực, hồn nhiên, mơ mộng, trong veo ký ức học trò, cùng với những bâng khuâng, vương vấn, buồn vui, hoài niệm về một thời được làm cái nghề “cao quý nhất trong các nghề cao quý”, “vừa dạy chữ, vừa dạy người” mà cái được nhiều nhất, “cao quý nhất” đối với tôi là “vừa dạy mình”!
          Các cụ nhà ta nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Ở đời, kể cũng thật lạ! Có rất nhiều người thuộc hàng cha chú, bậc anh chị, thậm chí có cả những “bậc thầy” của mình, cho mình, dạy mình “hơn một chữ” mà vẫn cứ gọi mình bằng thầy. Ngay cả những người ruột thịt trong nhà cũng gọi mình là “ông giáo” (chắc lại sắp được phong “hàm” “cụ giáo” đến nơi rồi). Nghĩ lại, à thì ra những người ấy, họ quý mình, họ trọng mình, họ gọi mình bằng cái “danh” của mình.
          Ấy vậy mà cũng có người học thầy “hơn một chữ” hẳn hoi mà lại không biết trọng “thầy”, không biết “tôn sư trọng đạo”: học trò THPT “hỗn chiến” với thầy trên bục giảng, thậm chí còn đâm thầy trọng thương; sinh viên Đại học Luật đến nhà thầy xin điểm, bị thầy từ chối, sau đó đâm thầy vì Hội đồng chấm luận văn (trong đó có thầy) chấm điểm C;(...).
          Các bậc phụ huynh, những người làm cha, làm mẹ, cũng có người làm gương mù, gương xấu: nghi ngờ con bị đánh, phụ huynh đánh cô giáo mầm non mang thai phải nhập viện; phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối trước học sinh để xin lỗi; phụ huynh chặn đường đánh thầy giáo, xông vào lớp đánh cô giáo; (...). Đó là  những hiện tượng vô cùng đau xót.

      Trông người lại ngẫm đến ta. Trong lúc nhiều người lo ngại về thực trạng “văn hóa suy thoái, đạo đức xã hội xuống cấp”, cũng phải nói thêm rằng cái nghề dạy học “giữ được mình” tưởng chừng không khó mà cũng chẳng dễ chút nào. Gần đây, có hiện tượng học sinh bị bạo hành, bị xúc phạm ở mọi lứa tuổi, mọi cấp học.

          “Con sâu bỏ rầu nồi canh”. Xin đừng để những hiện tượng đau lòng, “phản giáo dục” trong  giáo dục: cô giáo nhốt trẻ trong nhà vệ sinh; Hiệu trưởng dốc đầu trẻ vào máy vặt lông gà”; cô giáo bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng; thầy giáo sàm sỡ nhiều  học sinh nữ lớp 3; cô giáo không giảng bài suốt ba tháng lên lớp; cô giáo Tiếng Anh gọi học viên là đồ “mặt người, óc lợn” và tự xúc phạm mình bằng ngôn ngữ chợ búa “Tao không quan tâm tới cái tư cách giáo viên giẻ rách ở cái Việt Nam này; (.... ) làm “hoen ố” ngành giáo dục, “hoen ố” hình ảnh người thầy; để từng bước làm “trong sạch” môi trường giáo dục, từng bước làm “trong sáng” nhân cách người thầy.

          Việt Nam ta có rất nhiều người thầy lớn. Một trong những người thầy lớn ấy, có một người thầy “đặc biệt”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Văn Như Cương (1937-2017). Ông là người thành lập và là Hiệu trưởng trường dân lập đầu tiên ở Việt Nam, Trường  THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội

          Thầy Văn Như Cương, một nhân cách lớn, một nhà giáo đáng kính, một người thầy với những câu nói “khắc tạc” vào trái tim học trò: “Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ”. "Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc. Nhưng trước hết phải là người tử tế"...

            ...
            Hạ về! Xin gửi tới  đồng nghiệp và bạn đọc yêu quý mấy dòng tự sự, những mảnh ghép rời rạc về mùa hạ.
          Hạ đến! Hạ đi! Mùa hạ trong tôi! Hạ ơi!
 

ẢO ẢNH
Ngồi buồn gom chút thực hư,
Gom ảo ảnh, thoáng riêng tư chập chờn.
Ô hay, một chút buồn vương,
Cho tôi giọt nhớ, giọt thương đong đầy.
 
THANH ÂM
Sáng trong leo lẻo tiếng chim,
Trưa hè cháy khét dậy nghìn tiếng ve.
Sáo diều, vi vút chiều về,
Đỗ quyên khắc khoải gọi hè dưới trăng.
 
SẮC MÀU
Phượng hồng thắp lửa mùa thi,
Hoa sim tím sắc chia ly dùng dằng.
Chuyện tình nhuộm tím bằng lăng,
Lục bình tim tím xa xăm cuối trời.
 
KÝ ỨC
Nón nghiêng chúm chím môi hồng,
Hoàng hôn lấp lánh mấy không gian chiều.
Con tim khao khát lời yêu,
Vụng về, khờ khạo nói điều vu vơ.
 
HOÀI NIỆM
Tưởng bây giờ là bao giờ,
Êm đềm ký ức tuổi thơ xa vời.
Xuân đời thoáng chốc sáu mươi,
Một miền hoài niệm xa xôi lại về.
 
TRI ÂN
Nhân tình, thế thái cõi người,
Buồn vui, sướng khổ, khóc cười, được thua.
Cảm ơn đời chẳng như mơ,
Cho tôi một chút dại khờ  thế nhân.
                                                  Ngày Lập hạ, 2018
                                                 Nguyễn Văn Thụy


Nguồn:pgd-nghiahung.namdinh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết